top of page

I'm a title. Click here to edit me

SENSEI CỦA TÔI

Tiểu ban truyền thông JPC FTU

 

Bài viết đạt giải trong cuộc thi “ THẦY TÔI TÔI THẾ ĐẤY” do CLB Truyền thông YMC Đại học Ngoại thương tổ chức năm 2012. Bài viết là những dòng tâm sự đầy tình cảm chân thật dành cho thầy giáo Matsuda Chiharu, giáo viên tiếng Nhật của bạn Ngô Thị Ngọc Anh (Lớp Nhật 1- KTĐN-K50).Có ai đó đã nói rằng “Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn”…

 

          “Tôi đến với quyết định đăng kí học tiếng Nhật là bởi vì tuổi thơ đã gắn chặt với những cuốn manga, những bộ anime, những “Cố lên Chiaki”, Inuyasha rồi thì Rantarou, Shinbe, Doraemon.. để tâm hồn đã lỡ quá đỗi thương yêu xứ sở ấy, nơi Mặt Trời vẫn mọc dù sau biết bao sóng gió. Nhắm mắt chọn tiếng Nhật dù tất cả mọi người đều hù dọa về cái tiếng đáng sợ ấy, chả biết phải cho là mình dũng cảm hay mình “liều” nữa. Không lo nghĩ nhiều đến thế, chỉ là muốn mai sau được làm việc với người Nhật, những con người luôn mẫu mực và nghiêm túc đến mức hà khắc về công việc họ làm – như tôi đã thấy trên những bộ phim truyền hình để thỏa mãn cái lòng hâm hộ từ nhỏ… thế là tôi chọn tiếng Nhật – Kinh tế đối ngoại Khoa tiếng Nhật.

          Năm Nhất trôi qua, trình độ tiếng Nhật của tôi làng nhàng không đi lên lắm cũng chả đi xuống, “ À thì ra học tiếng Nhật cũng thường thôi, khó bình thường mà cũng thích bình thường”, tôi học vì điểm số, điểm vẫn cao, nhất trong số lớp cùng học, cô giáo người Nhật của chúng tôi rất nhiệt tình trong mỗi giờ lên lớp, nhưng lại không thể chạm đến cảm hứng của tôi. Lên lớp đều đặn nhưng tôi chả mấy mặn mà với tiết học ấy nữa. Và, kết thúc năm nhất, năm hai đến với bao hi vọng khi thầy giáo của tôi đã đến mang một luồng gió mới vào ngay trong buổi học đầu tiên thầy đứng lớp. Aaaaaa nhớ lại ngày đầu tiên ấy, mọi thứ vẫn rõ ràng quá!!!
          Buổi học đầu tiên, thầy bước vào lớp với mái tóc siêu ấn tượng, hí hí, nó chỉ còn lại ở 2 bên tai và phần giữa thì trọc bóng. Nhìn thầy quá dễ thương khi thầy tuôn một tràng giới thiệu bằng tiếng Nhật rồi dừng lại, nhìn lũ học sinh ở dưới ngẩn tò te, làm cho thầy cũng ngẩn ra luôn. Thầy hỏi chúng tôi “wakarimashitaka” (có hiểu không các em?), chúng tôi đồng thanh “iie, wakarimasen” (Thầy ơi không hiểu ạ) sau đó cả thầy và trò đều phá ra cười. Về đến nhà, việc đầu tiên tôi làm đó là treo một cái status thề thốt “ Em hứa sẽ học hành chăm chỉ hơn để hiểu thầy nói gì nhiều hơn ạ!” và hăm hở cầm quyển sách đi học! Thế là, thầy đã bước vào cuộc sống của chúng tôi, của tôi, nhẹ nhàng như vậy đấy….
          Những buổi học tiếp theo với thầy, mỗi buổi lại là một cuộc phiêu lưu kì thú. Buổi thì thầy mang Bánh kasuteirai (bánh trứng của Nhật) rồi trà xanh cho chúng tôi thử, hôm khác thì lại là bánh gạo… thầy còn chịu khó chiều học sinh đến mức sách từ nhà đi một đống cốc giấy cùng 2 chai nước Lavi mát để cả lớp chúng tôi được uống trà xanh lạnh… cứ mỗi lần như thế là bài học của chúng tôi lại xoay về lịch sử loại bánh ấy. Khiến cho bọn lớp Trung sang chơi ghen tị, còn chúng tôi thì phổng mũi vì tự hào! Đối với những đứa ham ăn dễ dụ như tôi thì chiến thuật này quá tuyệt vời, tôi chết đứ đừ vì độ ngon của mấy cái bánh và độ dễ thương của thầy giáo tôi. 

Có điều, tôi may mắn hơn các bạn trên lớp, kỉ niệm của tôi đối với thầy không chỉ là những gì thầy nói ở trên lớp, tôi được đi theo thầy làm tourguide giới thiệu phố phường Hà Nội, văn hóa phong tục Việt Nam – dù thầy thậm chí còn thuộc đường hơn tôi. (Với chiếc túi trên vai, chiếc bản đồ trên tay, một chiếc khăn mặt và một chai nước, thầy đã đi khắp các nẻo đường Hà Nội, đi bộ ấy, vì thầy bảo: “Sang Việt Nam thấy mọi người nhỏ quá, thầy và vợ thầy béo quá, nên thầy đi bộ để giảm cân”.) Nhưng tôi vẫn đi theo, luyên thuyên những gì tôi biết, và được thầy mua phở cho ăn, mua sushi, ramen cho thử…Chính vì động lực ấy mà tôi học tiếng Nhật chăm như chưa từng chăm, thầy khiến tôi nói nhiều, sử dụng tiếng Nhật linh hoạt hơn bao giờ hết và cũng là dùng body language nhiêu hơn bao giờ hết (đã bảo chiến thuật ăn uống của thầy rất hiệu quả mà lị). Nhưng hơn cả thế, mỗi lần đi theo thầy, tôi lại cảm nhận rõ ràng, niềm mến yêu với con người Nhật Bản được hiện thực hóa ngay trước mắt. Thầy cho tôi thấy những tính cách, những đặc trưng của cả một nền văn hóa mà tôi hàng mến mộ bấy lâu. Đó là khi thầy mặc cả đến từng 10K cho một cái khung tranh rồi ngay lập tức đẹm tặng cả cái tranh siêu đẹp ấy cho quán ăn mà thầy quí mến. Đó là khi thầy có thể gọi những món ăn đắt tiền cho tôi ăn hăng say nhưng sau đó dù chỉ mua hơn 100K thôi nhưng thầy vẫn phải hỏi xin bằng được hóa đơn. Hay đó là khi thầy bắt tôi phải lấy tờ 5$ là lương partime cho mỗi lần làm guider mặc dù tôi bảo đây là tôi đi luyện tập tiếng Nhật, không phải đi làm. Và đến gần trưa thì thầy bảo: “Đến giờ là hết lương 5$ rồi, chuyến tham quan kết thúc ở đây” và lại dắt tôi đi ăn. Đó chính là con người Nhật Bản, nét Nhật toát lên trong từng hành động của thầy tôi:“Người Nhật vừa hung bạo vừa hiền hòa, vừa nghiêm khắc vừa thơ mộng, vừa cứng nhắc vừa nhu nhuyễn, vừa trung thành vừa phản trắc, vừa can đảm vừa hèn nhát, vừa bảo thủ vừa cấp tiến… và chịu ảnh hưởng cùng lúc của Thần Đạo và tam giáo Nho, Phật, Lão…”.

À mà tôi vẫn quên chưa nói, thầy tôi tên là Matsuda (松田)- chữ Tùng và chữ Điền ấy. Thầy chưa già lắm, chỉ hơn bố tôi có 5 tuổi thôi nhưng có lẽ vì cuộc sống ở Nhật quá khắc nghiệt mà trông thầy già hơn so với tuổi, trước đây thầy là giáo viên dạy tiểu học, yêu trẻ con nên có lẽ đó chính là lý do thầy luôn ân cần và dịu dàng với chúng tôi đến vậy. Hôm nào cũng thế, cứ có giờ của thầy , khi tôi đến lớp đã thấy thầy ngồi trên ghế, nở nụ cười rộng nhất có thể và chào đón tôi. Từ khi học thầy, tôi không bao giờ đi học muộn nữa (thậm chí những buổi đầu còn cố gắng đến sớm hơn thầy, nhưng chưa lần nào thành công vì thầy toàn ra khỏi nhà từ 5h30 và đi bộ đến trường rất rất sớm, với bản tính heo lười tôi không thể bắt chước thầy được). Thế mà thầy không bao giờ giận những đứa đi học muộn dù có muộn đến cả tiếng, thầy vẫn gọi lên điểm danh rồi cho làm bài kiểm tra bình thường.
          À còn một điều hạnh phúc cuối cùng mà tôi muốn kể, đó là về giờ điểm danh của chúng tôi, thầy lúc nào cũng gọi số, vì thầy không thể đọc được tiếng Việt (Thầy bảo thầy già rồi, học khó vào lắm, không nhớ được thêm cái gì nên thầy không học tiếng Việt nữa) rồi hỏi: “Em số mấy?” – “Em số 2 ạ!”
Buồn lắm chứ vì dong duổi với thầy khắp chốn thế mà thầy ứ thuộc tên mình. Cho đến một hôm, bỗng dưng thầy gọi “ Anh-san lên thầy nhờ cái này” Lúc ấy kiểu như vỡ òa vì vui và hạnh phúc. Hóa ra, khi một người mình yêu mến và luôn luôn, luôn luôn kính trọng, nhớ được tên mình – chỉ tên mình thôi chứ không nhớ thêm tên đứa nào khác nữa lại là một điều tuyệt vời đến thế! Thế có nghĩa là mình đặc biệt hơn những người khác đối với thầy phải không? Thầy ơi, em yêu thầy lắm lắm lắm lắm ạ!”

Tôi và chúng bạn, đã nhất trí với nhau rằng: “ Từ khi học Matsuda-sensei thì chỉ có thầy mới được gọi là “Thầy”, không cần bất cứ tên riêng gì đằng sau, mà tất cả mọi người đều hiểu Thầy chính là thầy.” Ý là chỉ có sensei mới luôn luôn thường trực trong tâm tưởng của cái con bé sinh viên nghịch ngợm đến thế, để mà nó luôn mồm hai tiếng thân thương “Thầy ơi!”, “Thầy ơi, thầy ơi!”..

Thầy ơi!!!…”

Ngô Thị Ngọc Anh

Kết: Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi bài viết này được ra đời, Matsuda Sensei đã trở về Nhật Bản và cô học trò nhỏ của thầy cũng đã trưởng thành lên rất nhiều. Tin chắc rằng, dù quãng thời gian của thầy tại Việt Nam tuy ngắn ngủi nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong tất cả những ai đã là học trò của thầy dưới mái trường ĐH Ngoại thương.

bottom of page